Các bệnh thông thường hay gặp tại nhà thuốc là gì? Cách xử lý?

Các loại bệnh thường gặp tại nhà thuốc

Việc đến nhà thuốc mua thuốc có thể là khi người dân gặp các bệnh hô hấp hay tiêu hóa cấp tính hay các bệnh tăng huyết áp hoặc xương khớp mạn tính. Cũng có rất nhiều loại thuốc được lựa chọn hay các thận trọng cần lưu ý cho cả dược sĩ hay người bệnh. Dưới đây là những thông tin về các bệnh thường gặp tại nhà thuốc cũng như các thuốc được sử dụng khi mắc bệnh, hãy theo dõi Nhà thuốc Việt Pháp 1 để biết thêm các thông tin chi tiết này nhé.

Bệnh tim mạch

Tăng huyết áp là một bệnh tim mạch phổ biến mà người Việt Nam gặp rất nhiều, đặc biệt là ở những đối tượng cao tuổi. Bệnh tăng huyết áp nếu không được kiểm soát tốt có thể gây ra nhiều biến cố tim mạch khác như suy tim hoặc đột quỵ. Do đó nếu bệnh nhân phát hiện tình trạng tăng huyết áp thì nên cần được điều trị bằng các thuốc điều trị tăng huyết áp kết hợp cùng với các biện pháp không dùng thuốc khác.

Việc tăng huyết áp còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện để đánh giá như các yếu tố nguy cơ, các bệnh lý mắc kèm và mức tăng huyết áp là bao nhiêu. Tùy vào việc phân tầng nguy cơ ở bệnh nhân tăng huyết áp xem bệnh nhân ở nguy cơ thấp, nguy cơ trung bình hay nguy cơ cao mà bác sĩ có thể cân nhắc dùng thuốc đơn trị liệu hay dùng kết hợp các thuốc cho bệnh nhân.

Thông thường, việc sử dụng các thuốc tăng huyết áp nên được đánh giá và kê đơn bởi bác sĩ để đánh giá chính xác được tình trạng của bệnh nhân và kê đơn theo từng tình trạng bệnh. Do đó bệnh nhân nên tuân thủ đúng với hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch và nên đi khám định kỳ theo giấy hẹn cả bác sĩ.

Tăng huyết áp là một bệnh tim mạch phổ biến tại Việt Nam
Tăng huyết áp là một bệnh tim mạch phổ biến tại Việt Nam

Khi bệnh nhân được chẩn đoán là tăng huyết áp, tức là huyết áp đo nhiều lần trên 140/90 mmHg (nên đo 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 – 2 phút). Nếu bệnh nhân có huyết áp tăng quá cao >180/120 mmHg thì có thể xuất hiện cơn tăng huyết áp.

Có rất nhiều các thuốc tăng huyết áp được dùng trên thị trường hiện nay và tùy vào mục tiêu điều trị cũng như các tác dụng không mong muốn mà thuốc gây ra hay sự dung nạp thuốc mà bệnh nhân có thể được lựa chọn đơn trị liệu hoặc kết hợp 2 thuốc. Các thuốc bao gồm: Thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin, thuốc chẹn kênh Canxi, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc đối kháng thụ thể Mineralocorticoid.

Với những bệnh nhân có tăng huyết áp độ I (140/90 – 159/99 mmHg) và có nguy cơ thấp hoặc bệnh nhân >80 tuổi thì chỉ cần thay đổi lối sống với các biện pháp không dùng thuốc. Nếu 3 – 6 tháng sau khi áp dụng các biện pháp đó mà không kiểm soát được huyết áp thì dùng đơn trị liệu 1 trong 4 thuốc: Thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin, thuốc chẹn kênh Canxi, thuốc lợi tiểu.

Với những bệnh nhân tăng huyết áp ở mức độ cao hơn hoặc có các bệnh mắc kèm như suy tim, đái tháo đường, bệnh mạch vành, bệnh thận mạn thì cần kết hợp 2 thuốc điều trị tăng huyết áp với nhau và những bệnh nhân này nên được đến khám bác sĩ để được kê thuốc cụ thể.

Liều dùng của các thuốc tăng huyết áp chỉ nên dùng từ liều thấp nhất, sau đó nếu bệnh nhân không đáp ứng thì có thể tăng liều hoặc kết hợp 2 thuốc với nhau để hạn chế tăng liều đến mức tối đa, giảm tác dụng không mong muốn và tăng tuân thủ điều trị trên bệnh nhân.

Bên cạnh việc dùng thuốc, các biện pháp thay đổi lối sống cũng là một yếu tố quan trọng giúp cải thiện được tình trạng tăng huyết áp của bệnh nhân bất kể bệnh nhân đang ở mức tăng huyết áp nhẹ hay nặng như giảm cân, ngừng hút thuốc, hạn chế rượu bia, luyện tập thể dục thường xuyên, hạn chế ăn mặn và tăng cường chế độ ăn có lợi cho sức khỏe.

Sau khi dùng thuốc mà huyết áp của bệnh nhân đã ổn định thì bệnh nhân vẫn cần phải tuân thủ uống thuốc đều đặn hàng ngày và có thể đi khám lại định kỳ bởi việc dừng thuốc có thể làm huyết áp của bệnh nhân tăng trở lại.

Các bệnh về đường hô hấp

Các bệnh về đường hô hấp là các bệnh thường gặp khi giao mùa, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nếu không được điều trị sớm thì bệnh nhân có thể mắc các bệnh nặng hơn như dẫn đến viêm phổi hoặc viêm phế quản.

Các bệnh liên quan đến đường hô hấp thường gặp bao gồm:

Ho

Ho có thể do nhiều nguyên nhân gây ra
Ho có thể do nhiều nguyên nhân gây ra

Ho là một phản ứng tự nhiên của cơ thể giúp đưa các vật lạ ra khỏi đường hô hấp. Ho có rất nhiều loại và cũng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Người bệnh có thể ho cấp tính hoặc ho mạn tính, ho khan hay ho có đờm. Các cơn ho thông thường là do cảm lạnh hoặc cảm cúm.

Với những cơn ho nhẹ do cảm lạnh hoặc cảm cúm thì thường sẽ tự khỏi trong vòng 3 – 4 tuần và thường không cần đến khám bác sĩ. Khi họ bạn nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước.

Cũng có nhiều biện pháp giúp giảm ho có thể chữa trị tại nhà nhờ các thảo dược sẵn có trong nhà như chanh hoặc mật ong. Bạn có thể pha nước cốt chanh cùng với mật ong và nước ấm như một phương pháp điều trị ho. Tuy nhiên không nên dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.

Dược sĩ nhà thuốc cũng có thể giúp bạn giảm ho với các sản phẩm thảo dược như siro ho, kẹo ngậm ho hoặc nếu ho nhiều quá có thể dùng một số loại thuốc điều trị ho. Tuy nhiên trong trường hợp ho có đờm thì nên ho hết đờm ra trước rồi mới uống điều trị ho hoặc dùng những sản phẩm có tác dụng long đờm.

Một số trường hợp ho sau đây thì bạn nên gặp bác sĩ[1] vì có thể ho là do dùng thuốc hoặc các bệnh khác nghiêm trọng hơn:

  • Ho dai dẳng kéo dài hơn 3 tuần.
  • Cơn ho trở nên nặng hơn hoặc không thể ngừng ho.
  • Bạn cảm thấy bị đau tức ngực hoặc khó thở.
  • Bên cổ của bạn cảm thấy sưng, đau.
  • Ho ra máu.

Cảm lạnh

Cảm lạnh không có cách chữa trị đặc hiệu
Cảm lạnh không có cách chữa trị đặc hiệu

Với bệnh cảm lạnh thông thường, không cần đến khám bác sĩ mà chỉ cần uống những thuốc để điều trị triệu chứng. Tuy nhiên khi các triệu chứng xấu đi hoặc dai dẳng không biến mất sau khi nghỉ ngơi và điều trị thì bạn nên đến khám bác sĩ.

Không có cách chữa trị đặc hiệu cho cảm lạnh thông thường mà bệnh có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị, thường là trong vòng 1 tuần đến 10 ngày. Trong những ngày này, bạn nên uống nhiều nước ấm, làm ẩm không khí, rửa mũi bằng nước muối và nghỉ ngơi đầy đủ.

Các loại thuốc kháng sinh không có tác dụng trên virus gây cảm lạnh, do đó không dùng kháng sinh khi cảm lạnh trừ trường hợp nghi nhiễm vi khuẩn.

Trong trường hợp này, có thể làm giảm các cảm giác khó chịu bằng sử dụng các thuốc không kê đơn để làm giảm sốt, giảm đau nhức cơ thể, giảm nghẹt mũi và giảm ho.

Đau họng

Đau họng thường là do virus hoặc vi khuẩn gây nên
Đau họng thường là do virus hoặc vi khuẩn gây nên

Nguyên nhân gây ra đau họng có 70 – 90% là do virus. Cũng có một số trường hợp viêm họng là do vi khuẩn. Các triệu gặp thường thấy là đau cổ họng, nhất là khi nuốt, khô và ngứa cổ họng, đỏ ở miệng sau, ho nhẹ hoặc có thể sưng ở cổ.

Khi bị viêm họng, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà để làm dịu các cơn đau họng bằng cách súc miệng bằng nước muối, uống nhiều nước, ăn các thức ăn mềm, nghỉ ngơi và tránh tiếp xúc với khói thuốc.

Trong trường hợp viêm họng làm bạn cảm thấy khó chịu, có thể dùng thuốc giảm đau nếu cảm thấy đau và sử dụng viên ngậm sát trùng hoặc viên ngậm chống viêm và thông thường không cần sử dụng thuốc kháng sinh vì nó thường không làm giảm các triệu chứng hay tốc độ hồi phục bệnh cho bạn. Chỉ được dùng kháng sinh khi nghi ngờ nhiễm khuẩn.

Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là bệnh có các triệu chứng khá giống với cảm lạnh
Viêm mũi dị ứng là bệnh có các triệu chứng khá giống với cảm lạnh

Viêm mũi dị ứng là bệnh cũng thường gặp và gây ra các triệu chứng giống với cảm lạnh bao gồm hắt hơi, ngứa, tắc hoặc chảy nước mũi. Nguyên nhân gây ra viêm mũi dị ứng thường là do hệ thống miễn dịch đáp ứng với các chất dị ứng. Để hạn chế được tối đa viêm mũi dị ứng tái phát, người bệnh nên hạn chế với các chất gây dị ứng với bạn.

Với những tình trạng nhẹ, bạn có thể dùng các thuốc không kê đơn để làm giảm triệu chứng như thuốc kháng histamin và dùng các dung dịch nước muối để rửa mũi thường xuyên.

Các bệnh về tiêu hóa

Đau bụng là một triệu chứng thuộc về hệ tiêu hóa, tuy nhiên việc điều trị đau bụng thường khó khăn vì nó có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và bệnh nhân nên được thăm khám để chẩn đoán được chính xác nguyên nhân gây bệnh để được điều trị kịp thời.

Trong khi đó, tiêu chảy với táo bón cũng là các bệnh tiêu hóa mà có thể xử trí rõ ràng hơn tại nhà thuốc.

Tiêu chảy

Tiêu chảy cấp có thể tự khỏi trong vài ngày
Tiêu chảy cấp có thể tự khỏi trong vài ngày

Hầu hết các trường hợp tiêu chảy cấp thường sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày mà không cần phải điều trị. Nếu điều trị tiêu chảy tại nhà mà không đỡ thì bạn cần đến khám bác sĩ để xác định rõ được nguyên nhân gây tiêu chảy và có những xử trí thích hợp.

Khi gặp tiêu chảy, hãy thực hiện các biện pháp sau:

  • Uống nhiều nước bao gồm cả nước trái cây và tránh đồ uống có caffein và rượu. Có thể bổ sung nước và điện giải qua oresol.
  • Khi nhu động ruột dần dần trở về bình thường, hãy bổ sung thức ăn bán rắn và ít chất xơ.
  • Tránh dùng các loại thực phẩm từ sữa, giàu chất xơ, các thức ăn chứa nhiều chất béo.
  • Một số thuốc chống tiêu chảy không cần kê đơn có thể được dùng để giảm số lần đi tiêu và kiểm soát được triệu chứng như Loperamid, Bismuth subsalicylate. Tuy nhiên những thuốc này có thể làm trầm trọng thêm nếu như tiêu chảy do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra.

Táo bón

Bổ sung thêm rau vào chế độ ăn cho những người bị táo bón
Bổ sung thêm rau vào chế độ ăn cho những người bị táo bón

Điều trị táo bón, đặc biệt là táo bón mạn tính thường được bắt đầu bằng thay đổi chế độ ăn uống và lối sống sinh hoạt.

Một vài biện pháp sau sẽ hiệu quả nếu bị táo bón:

  • Bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống.
  • Tập thể dục đều đặn ở tất cả các ngày trong tuần.
  • Đừng nhịn nếu bạn muốn đi đại tiện.

Trong trường hợp các biện pháp trên chưa giải quyết được vấn đề táo bón của bạn, có thể bổ sung bằng các thuốc nhuận tràng, những thuốc này sẽ giúp bạn đi ngoài dễ dàng hơn.

  • Các sản phẩm bổ sung chất xơ.
  • Thuốc nhuận tràng tạo khối (methylcellulose…).
  • Thuốc nhuận tràng làm mềm phân.
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu (polyethylene glycol, lactulose, sorbitol…).
  • Bisacodyl.
  • Dầu thầu dầu và dầu khoáng.

Các bệnh về xương khớp

Viêm xương khớp là một trong các bệnh về xương thường gặp nhất và nó xảy ra khi sụn bảo vệ đêm ở các đầu xương bị bào mòn theo thời gian, đặc biệt là nó sẽ dần tăng theo tuổi tác. Mặc dù viêm xương khớp không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng nó ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng thường gặp nhất của các bệnh xương khớp là đau. Các khớp bị ảnh hưởng có thể bị đau trong hoặc sau khi vận động. Đôi khi cũng có thể xuất hiện tình trạng cứng khớp vào buổi sáng ngay sau khi ngủ dậy. Khi hoạt động nhiều có thể dẫn đến sưng tấy quanh khớp.

Một số các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm xương khớp như người cao tuổi, giới tính, béo phì, tổn thương khớp do chơi thể thao hoặc do tai nạn, mắc các bệnh chuyển hóa, xương bị dị dạng hoặc cũng có thể do di truyền.

Bệnh về xương khớp là bệnh thường gặp ở người cao tuổi
Bệnh về xương khớp là bệnh thường gặp ở người cao tuổi

Các bệnh viêm xương khớp là bệnh không thể chữa khỏi được nhưng các phương pháp điều trị có thể làm giảm đau và giúp bạn vận động tốt hơn.

Các thuốc được dùng để làm giảm các triệu chứng của viêm xương khớp, chủ yếu là triệu chứng đau bao gồm:

  • Paracetamol: thuốc này được dùng để làm giảm triệu chứng đau từ nhẹ đến trung bình. Việc sử dụng quá nhiều Paracetamol có thể dẫn đến quá liều và gây tổn thương gan. Do đó Paracetamol chỉ dùng khi đau nhẹ tới trung bình và thường ưu tiên hơn ở những bệnh nhân loét dạ dày tá tràng hoặc có bệnh tim mạch nghiêm trọng.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Các thuốc NSAID không kê đơn có thể làm giảm đau xương khớp bao gồm Ibuprofen, Naproxen. Các thuốc này nên dùng ở liều thấp có tác dụng trong thời gian ngắn nhất bởi nó có tác dụng phụ trên dạ dày gây viêm loét dạ dày, tác dụng phụ trên tim mạch có thể gây các biến cố tim mạch hoặc có thể tổn thương trên thận. Một số loại NSAID có tác dụng mạnh thì nên được bán theo đơn kê. Một số thuốc có thể dùng dạng ngoài da như kem hay gel bôi ngoài da lên các khớp bị đau vì nó vẫn có tác dụng giảm đau và sẽ giảm được các tác dụng không mong muốn.
  • Corticosteroid: Các thuốc corticosteroid có thể làm giảm đau, giảm viêm và làm chậm tổn thương khớp. Tuy nhiên tác dụng phụ của corticosteroid rất nhiều và thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu dùng không đúng cách với liều cao, dài ngày. Do đó không nên lạm dụng corticoid trong điều trị viêm xương khớp.

Một số biện pháp không dùng thuốc cũng có thể được áp dụng tại nhà bao gồm:

  • Giảm cân: Việc giảm cân giúp giảm áp lực lên các khớp, tăng khả năng vận động và hạn chế chấn thương khớp.
  • Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên giúp các khớp luôn được linh hoạt.
  • Dùng đệm sưởi hoặc túi đá có thể làm giảm đau do viêm khớp.

Một số người cũng có thể dùng các biện pháp thay thế trong điều trị viêm khớp mặc dù chưa có đủ nhiều bằng chứng đáng tin cây cho các sản phẩm này bao gồm:

  • Châm cứu
  • Glucosamin
  • Chondroitin
  • Dầu cá
  • Mát xa
  • Tập yoga và thái cực quyền.

Việc không kiểm soát được bệnh viêm xương khớp làm bệnh có thể nặng hơn và dẫn đến viêm khớp mạn tính. Đau và cứng khớp khi trở nên nghiêm trọng có thể ảnh hưởng và gây khó khăn lớn cho công việc hàng ngày.

Bệnh đau đầu

Đau đầu có thể là triệu chứng của một bệnh nào đó nên cần theo dõi để đi khám chữa bệnh kịp thời
Đau đầu có thể là triệu chứng của một bệnh nào đó nên cần theo dõi để có những phương pháp điều trị kịp thời

Đau đầu là triệu chứng thường thấy ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Đau đầu có rất nhiều loại và đôi khi nó là triệu chứng của một bệnh hoặc đôi khi không rõ nguyên nhân là gì. Do đó cần xem kỹ các dấu hiệu và triệu chứng của đau đầu để có những phương pháp điều trị phù hợp. Khi đau đầu xảy ra liên tục hàng ngày trong 15 ngày hoặc hơn 1 tháng thì có thể là đau đầu mạn tính.

Loại đau đầu phổ biến nhất thường gặp là đau đầu do căng thẳng. Các cơn đau như vậy có thể điều trị bằng các thuốc giảm đau như paracetamol.

Người bệnh cũng có thể mắc chứng đau nửa đầu và thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Nếu biết nguyên nhân dẫn đến việc đau nửa đầu thì nên tránh những tác nhân đó để ngăn ngừa được chứng đau nửa đầu. Các phương pháp có thể làm giảm bớt đau đầu bao gồm: nghỉ ngơi trong một căn phòng tối và yên tĩnh, mát xa đầu hoặc sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol.

Tuy nhiên một điều đáng lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau đó là bạn không được uống nhiều sản phẩm cùng chứa paracetamol khi bạn có nhiều triệu chứng hay bệnh mắc kèm vì việc sử dụng như vậy sẽ có thể làm quá liều paracetamol và gây ngộ độc, làm tổn thương gan, thậm chí có thể gây tử vong do hoại tử gan.

Một số trường hợp đau đầu nghiêm trọng cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời bao gồm:

  • Đau đầu đột ngột, dữ dội
  • Đau đầu sau khi bị ngã hay chấn thương đầu.
  • Đau đầu kèm với sốt, cứng cổ, phát ban, co giật, lú lẫn, yếu, khó nói.
  • Tình trạng đau nặng lên mặc dù đã được điều trị.

Trên đây là toàn bộ thông tin về các bệnh thường gặp tại nhà thuốc, hy vọng có thể giúp ích được cho bạn tiết kiệm được thời gian khám chữa bệnh và biết được khi nào cần thiết đi gặp bác sĩ.

Nguồn tham khảo

Nguồn tham khảo
1  Theo NHS, ” Các trường hợp ho cần gặp bác sĩ đa khoa”, tra cứu tại: https://www.nhs.uk/conditions/cough/, Truy cập ngày 7/12/2021 
Dược sĩ Đỗ Ánh Đã duyệt nội dung
Dược sĩ Đỗ Ánh tốt nghiệp Trường Đại học Dược Hà Nội năm 2021. Quê quán: Phú Thọ. Sinh năm: 1998. SDT: 0356404244
5/5 - (1 bình chọn)
Bình luận (0 bình luận)

jun88